Email: vivumuasam@gmail.com | Hotline: 0912 109 908

TPHCM chính thức kiểm tra nguồn gốc thịt heo bằng smartphone

TPHCM chính thức kiểm tra nguồn gốc thịt heo bằng smartphone

- 2016-10-28 15:01:13

Bắt đầu từ ngày 10.12.2016, với chiếc điện thoại thông minh có cài ứng dụng hay tại các máy đặt tại chợ, người tiêu dùng TPHCM có thể kiểm tra, truy xuất nguồn gốc thịt heo, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó giám đốc Sở Công Thương TPHCM cho biết tại buổi công bố đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo trên địa bàn TPHCM sáng 26-10.

Ông Hòa cho biết, đề án truy xuất nguồn gốc thịt heo nằm trong chương trình Mô hình chợ thí điểm an toàn thực phẩm giai đoạn 2016-2020 tại TPHCM, được Sở Công Thương giao cho Hội Công nghệ cao thực hiện. Đơn vị này đã thiết kế một ứng dụng miễn phí cài đặt trên điện thoại để soi thịt heo nhằm nhận biết nguồn gốc.

Theo đó, heo khi xuất chuồng sẽ được gắn hai vòng nhận diện có khắc mã số QR code bằng tia laser vào hai chân sau. Mã trên vòng nhận diện khi được kích hoạt sẽ chứa các thông tin về trang trại nuôi heo. Vòng nhận diện có giá trị kích hoạt trong vòng 24-48 giờ, không có khả năng sử dụng lại trong trường hợp tháo ra lắp lại.

Khi heo đi tiếp chu trình (vào lò mổ, ra chợ sỉ, chợ lẻ), mỗi công đoạn sẽ có cơ quan chức năng quản lý “dán tem điện tử” lên vòng nhận diện, hay kích hoạt vòng nhận diện. Thịt heo mang vòng nhận diện đến chợ sẽ được ban quản lý chợ kiểm tra thấy hợp lệ mới cho vào chợ. Các đại lý, tiểu thương bán sỉ, bán lẻ cũng sẽ “dán tem điện tử” hay kích hoạt vòng riêng để xác nhận thịt heo họ bán ra có nguồn gốc rõ ràng và có thể truy xuất.

Người tiêu dùng có thể kiểm tra nguồn gốc thịt bằng cách tải ứng dụng miễn phí Te-food trênwww.te-food.com vào smartphone hay sử dụng máy kiểm tra đặt tại chợ.

Ông Hòa cho biết, dữ liệu liên quan đến việc truy xuất nguồn gốc thịt heo sẽ được hệ thống quản lý lưu trữ đến 10 năm, có khả năng phân tích, sàng lọc và lên danh sách đen hoặc khoanh vùng những đối tượng, hiện tượng nghi ngờ trà trộn heo không đảm bảo an toàn để các nhà quản lý, các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra và có biện pháp xử lý.

Trong giai đoạn thí điểm, đề án sẽ được thực hiện tại 15 doanh nghiệp, cơ sở chăn nuôi với gần 1.000 trang trại (tiêu biểu như Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam, Vissan, Công ty TNHH CJ Vina Agri), 11 cơ sở giết mổ (trong đó có An Hạ và Vissan của TPHCM, 3 cơ sở giết mổ tại Đồng Nai, 5 cơ sở giết mổ tại Long An và 1 cơ sở tại Bình Dương), hai chợ đầu mối (Bình Điền, Hóc Môn), 4 chợ lẻ (Bến Thành, An Đông, Hòa Bình, Thái Bình). 

Ở kênh phân phối hiện đại, thịt heo truy xuất được nguồn gốc sẽ được bán tại 5 hệ thống siêu thị (34 siêu thị Co.opmart, 2 siêu thị Satramart, 8 siêu thị Big C, 2 siêu thị Aeon mall và 13 siêu thị của AeonCitimart). Ngoài ra, thịt heo này còn có tại 4 hệ thống cửa hàng tiện lợi (gồm 96 cửa hàng Co.opfood, 88 cửa hàng Satrafood, 5 cửa hàng Sagrifood, 49 cửa hàng Vissan không bao gồm cửa hàng Vissan nằm trong siêu thị và 2 cửa hàng kinh doanh thực phẩm CP).

Sau khi thực hiện thí điểm, từ ngày 1-3-2017 chương trình sẽ được triển khai chính thức trên toàn thành phố. Hiện tại Ban đề án vẫn tiếp tục tiếp nhận đăng ký tham gia của các đơn vị sản xuất, đơn vị phân phối.

Theo ông Hòa việc triển khai đề án như hiện nay mới ở giai đoạn 1, tức giai đoạn từ trang trại đến tay người tiêu dùng, dự kiến bước tiếp theo, vào năm 2017 sẽ triển khai giai đoạn hai – quản lý theo quy trình khép kín từ khi heo sinh ra cho tới khi tới tay người tiêu dùng. Ngoài thịt heo, dự kiến sẽ nhân rộng ra các mặt hàng thịt gia súc, gia cầm, rau củ quả và các sản phẩm khác.

Về giá bán sản phẩm, ông Hòa cho biết, khi triển khai thí điểm thì giá thịt heo gắn vòng nhận diện truy xuất nguồn gốc không thay đổi so với thịt heo thông thường. Tuy nhiên, ông Hòa cho biết thêm, trong quá trình thực hiện đề án, khi khảo sát người tiêu dùng chấp nhận trả thêm 200-2.000 đồng/kg, các thương nhân cũng chấp nhận chi phí tăng 200 đồng/kg thịt heo được truy xuất.

“Tuy vậy, giá bán thực tế sau này sẽ do thị trường quyết định chứ chúng tôi không can thiệp vào sự vận hành của thị trường. Qua khảo sát thì có thể các trang trại sẽ hình thành hai cơ chế giá gồm hàng được truy xuất nguồn gốc và hàng không đòi hỏi truy xuất nguồn gốc”, ông Hòa nói.

Để cung cấp thông tin, giải đáp thắc mắc cho người tiêu dùng, Ban đề án có đăng tải các thông tin trên website của Sở Công Thương, website của chương trình (www.te-food.com) và lập số điện thoại đường dây nóng (19006726).

Nguyên Minh thực hiện

Thông tin được cung cấp bởi Sở Công Thương TPHCM

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM
Trở lên trên